Nét Đặc Sắc Trong Văn Hóa Ẩm Thực Của Người Hà Nội

Nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực của người Hà Nội

Ăn uống phản ánh trình độ văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền. Nó là kết tinh của những tri thức, thẩm mỹ, phong tục tập quán, và cách xử thế.  Văn hóa ẩm thực là một trong những biểu trưng quan trọng của đời sống sinh hoạt, tinh dần của con người.

Thăng Long – Hà Nội, vùng đất 1000 năm văn hiến với bề dày lịch sử, là nơi kết tinh những tinh hoa của đất nước. Tiêu biểu của những tinh hoa đó là sự thanh lịch, sang trọng và thanh tao trong lời ăn tiếng nói và cách ăn uống của người Hà Nội.

Nấu nướng và thưởng thức món là một nghệ thuật của người Hà Nội. Nó thể hiện tấm long của người trao kẻ nhận, nhận lấy những hương vị, nét đẹp riêng, nét truyền thống. Bởi vậy nó không chỉ là thức ăn thông thường mà được nâng lên thành nghệ thuật ẩm thực.

Phở

Phở xưa- một kí ức đẹp theo dấu chân tuổi thơ của những đứa trẻ Hà Nội. Nhớ nhất những ngày đông giá buốt, ngồi cạnh gánh phở rong khói bay nghi ngút, ấm nóng than hồng, khiến ta không thể nào quên. Trong cái nhìn của Thạch Lam, phở thấm đậm vị quê hương: “Chẳng gì ngon hơn một bát phở”. “Chung quanh nồi nước phở, ta thấy tụm năm tụm ba, các bệnh nhân đàn ông và đàn bà, các bác gác san, các thầy y tá, và cả đến các học sinh trường Thuốc nữa. Chừng ấy người đều hợp lòng trong sự thưởng thức món quà ngon, nâng cách ăn phở lên đến một nghệ thuật đáng kính”.

Thời gian thay đổi, cuộc sống đã đầy đủ vật chất hơn xưa, phở cũng xuất hiện ở nhiều nơi hơn, cũng có nhiều biến tấu để phù hợp với khẩu vị của nhiều vùng miền khác nhau.

Đầu tiên phải nói về nước dùng của phở. Nó có vị ngon ngọt từ xương hầm, mùi thơm của gừng nước, hành tây, rễ giò…Phở bò thì thêm vị quế, thảo quả, hồi hoa. Bánh phở mềm mại nhưng lại giòn, dẻo dai, vị tan trong miệng cùng thịt bò thơm ngon đến khó tả. Người ta thường thêm phở với hành, ngò và quẩy chiên nóng giòn. Công thức của từng loại phở đều có bí quyết gia truyền riêng, nhưng dù thế nào thì nó vẫn hấp dẫn người ta không thể nào quên.  

Phở xưa

Chính vì nét đặc sắc riêng không nơi nào có được mà Phở lọt vào danh sách top 40 món ăn ngon thế giới mà chúng ta nên ăn thử một lần trong đời của trang Business Insider. Ắt hẳn người ta thấy được đằng sau tô phở là một giá trị lớn, giá trị của một nền văn hóa, giá trị ẩm thực tuyệt vời và cả giá trị cân bằng dinh dưỡng.

Bún thang

Sau phở có thể kể đến bún thang, một món ăn thể hiện mỹ quan tinh tế trong khiếu ẩm thực của người Hà Nội.

Xưa, Bún thang chỉ được làm trong những dịp lễ tết. Nhưng ngày nay, để phù với nhu cầu của con người, nó đã được bình dân hóa để nhiều người có thể tiếp cận được món ăn tinh tế này hơn. Song dù dân dã hay cao sang thì hương vị độc đáo lôi cuốn của Bún thang vẫn không hề đổi thay, chiều lòng những vị thực khách khó tính nhất.

Bún thang

So với các món bún khác thì bún thang có cách chế biến công phu hơn. Một tô bún thang có đến gần 20 nguyên liệu khác nhau, rau răm, mùi tàu xanh ngát, gà luộc hoặc nướng xé phay, giò lụa và trứng tráng thái sợi, tôm bông,.. và hai lòng trứng muối nổi bật trên nền bún trắng, chan với nước dùng nóng hổi. Gia vị thêm của bún thang gần giống với phở, như tỏi, tiêu, dấm, ớt nhưng nó sẽ mất hẳn đi mùi thơm đặc biệt nếu ta không thêm vào trong đó một chút tinh dầu cà cuống.

Tất cả các nguyên liệu, các gia vị dường như đã hoà quyện vào nhau, tô điểm cho nhau tạo nên một bức tranh quê lụa muôn sắc, muôn màu đến độ làm nao lòng người đa cảm.

Cốm

Và một thứ quà nổi tiếng không thể không nhắc đến khi nhớ về Hà nội đó là Cốm làng Vòng.

Làng Vòng cách trung tâm Hà Nội về phía Tây Bắc độ dăm cây số, gồm có các thôn: Vòng Tiền, Vòng Hậu, Vòng Sở, Vòng Trung nhưng chỉ có hai thôn Vòng Hậu và Vòng Sở là làm cốm ngon. Cốm làng Vòng thường có vào mùa thu nên khi nhắc đến thu Hà Nội, người ta thường nhớ tới những cơn gió heo may, những buổi chiều vương vấn mùi hoa sữa và hương vị lúa non trong cốm. Cũng như những thứ quà khác, cốm ngày xưa được làm ra với ý nghĩa ban đầu là làm quà sêu tết, tặng nhau, ngày nay cốm cũng xuất hiện ở nhiều nơi, nhiều thời điểm hơn.

 Cốm làng Vòng

Mỗi vùng quê đều có cách thức làm cốm riêng nhưng không đâu có cách làm công phu mà thơm ngon bằng cốm Làng Vòng. Đầu tiên họ trồng lúa, đợi đến lúc lúa khum ngọn, hãy còn sữa thì gặt đem về làm cốm. Lúa để làm cốm thì không được vò hay đập mà phải tuốt. Sau đó cho vào nồi rang. Cốm rang xong phải mang giã ngay, không được để nguội. Trong quá trình giã phải có kỹ thuật, không được giã mạnh tay quá cốm sẽ nát. Khi giã phải luôn tay đảo cốm từ trên xuống, dưới lên cho đều. Giã khoảng 10 lần thì đem cốm đi sàng và hồ, rồi đựng vào lá sen.

 

Tại sao người ta lại dùng lá sen để đựng cốm? Chắc hẳn rằng thứ quà tinh khiết ấy cũng phải được gói bằng lá của loài hoa tinh khiết “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” thì mới thấy hết được ý nghĩa của nó.

Cốm thường được ăn cùng với chuối tiêu trứng cuốc nhưng ngon nhất vẫn là ăn với trái hồng chín đỏ. Và Thạch Lam trong Hà Nội 36 phố phường đã ví: “Cái màu xanh tươi của cốm như ngọc thạch quý, màu đỏ thắm của hồng như ngọc lựu già. Một thứ thanh đạm, một thứ ngọt sắc, không gì hòa hợp bằng”.

 

Cốm làng Vòng bây giờ đã rất nổi tiếng khắp mọi miền đất nước và là một thứ quà tao nhã không chỉ của những người trẻ mà cả của những bậc trung niên, cao niên khi nhớ về Hà Nội, đặc biệt là Hà Nội mùa thu. Dù ai đi xa Hà Nội nhưng khi trở về đều phải mang theo thứ quà quê hương tinh khiết này – Cốm Làng Vòng.

Đó là ba nét đặc trưng nhất của ẩm thực Hà Nội – một di sản văn hóa ẩm thực của người Việt Nam. Dù ai đi xa Hà Nội nhưng khi trở về hãy rẽ vào những góc phố nhỏ, tạt vào những gánh hàng rong để thưởng thức, gợi nhớ lại những hương vị quen thuộc nơi thủ đô.

 

 

 

 

 

 

Đối tác của chúng tôi